Duy's page
How I got Japanese driving license
Hành trình học và thi bằng lái xe ô tô tại Nhật bằng tiếng Anh
How I got Japanese driving license
Hành trình học và thi bằng lái xe ô tô tại Nhật bằng tiếng Anh
Việc học bằng lái tại Nhật khá khắt khe và quy cũ, do đó, trước khi bạn quyết định học bằng lái thì cần xác định rõ khả năng ngôn ngữ của mình. Ở Nhật có hai hình thức chủ yếu để học bằng lái xe ô tô thông dụng (普通車) là tiếng Nhật và tiếng Anh. Tuy nhiên, các đề thi tiếng Nhật thường rất khó hiểu do có các cấu trúc phủ định của phủ định nên thông thường sẽ rất khó chọn đáp án dù biết là chỉ có hai lựa chọn True or False.
Nếu các bạn quan tâm về học bằng tiếng Nhật có thể tham khảo bài viết rất chi tiết của bạn Nguyễn Quang Phương: https://phuongnq.me/2018-06-08-driving-license-in-japan-part-1/
Bài viết này mình chia sẻ về việc học bằng lái bằng tiếng Anh ở Nhật.
Hiện tại ở Nhật có khá ít trường dạy bằng lái hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mình theo chỉ dẫn của bạn Phương và chọn khóa học của Koyama Driving school ở Futako-Tamagawa. Đây là một trường khá lâu đời và cũng gần chỗ mình ở nên mình không ngần ngại đăng ký ngay. Khi đi đăng ký, bạn cần mang theo:
Thẻ ngoại kiều (residence card).
Giấy cư trú lấy ở tòa thị chính của quận đang sinh sống (JUMINHYO(住民票)).
Kính mắt (nếu bị cận). Mình chỉ đeo kính khi làm việc vì sợ mất đi vẻ đẹp trai vốn có, nhưng vì an toàn khi lái nên mình vẫn ghi đeo kính.
Credit card (để được nhận point vì số tiền khá lớn, mình không khuyến khích đóng bằng tiền mặt).
Khi đến đăng ký bạn sẽ được nhân viên hỏi thăm:
Chọn khóa học semi-english (học lái bằng tiếng Nhật, lý thuyết bằng tiếng Anh) hoặc full-english. Giá của semi-english sẽ rẻ hơn so với full-english.
Đo thị lực.
Bạn sẽ được cấp 2 cuốn giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, một cuốn hướng dẫn trường koyama, một cuốn tóm tắt về khóa học, một lịch trình học dự kiến và lịch học chi tiết (nếu bạn có thể đăng ký hết lớp).
Mình xin giải thích một chút về sự khác nhau giữa MT (Manual Transmission, số sàn) và AT (Automatic Transmission, số tự động).
Số sàn (MT) tức là bộ phận truyền động giữa motor động cơ và bánh sẽ có các tiếp xúc truyền động có thể được điều khiển thông qua một pedal gọi là clutch pedal (hoặc pedal côn theo tiếng Việt). Cấp số truyền động được điều khiển bằng cần số. Thông thường sẽ có các loại như N (Neutral, động cơ bất hoạt truyền động), P (Parking, chế độ khóa bánh truyền động), cấp số từ 1 đến 4 theo tốc độ và độ kéo mạnh yếu của động cơ, và R (reverse, chế độ đi lùi). Pedal này thông thường sẽ nằm bên trái trong cùng của ghế lái. Kế bên clutch pedal là brake pedal (pedal phanh chân). Kế bên nữa là gas pedal, pedal này có công dụng tăng tốc tốc độ vòng quay của động cơ.
Số tự động (AT) tức là bộ phận truyền động giữa motor động cơ và bánh sẽ được điều khiển tự động theo mức độ bạn đạp gas pedal. Do đó, cần số chỉ có các chế độ mode lái D (driving), P (parking), N (neutral), và các mode có áp thắng tay để xuống dốc. Thông thường xe AT sẽ có 2 pedal là gas và brake, xe có 3 pedal thì pedal trong cùng bên trái chính là thắng tay.
Mình chọn học MT vì theo kinh nghiệm của bạn Văn Huy có thể đổi bằng Việt Nam được. Các bạn tham khảo thêm bài viết này để lựa chọn học AT hay MT: https://vanhuyz.com/kinh-nghiem-doi-bang-lai-xe-o-to-nhat-sang-bang-viet-nam/
Theo thông tin thì Việt Nam đã có bằng AT nhưng vẫn chưa thấy có bạn nào đã đổi và chia sẻ kinh nghiệm. AT sẽ học ngắn hơn MT một vài buổi và giá cũng nhẹ hơn đôi chút.
===> Mình chọn học lái MT.
Quầy tiếp tân cho khóa tiếng Anh riêng
Các hướng dẫn khi đăng ký học
Tổng quan về khóa học ở trung tâm Koyama
Giá tiền đăng ký các khóa học
Quầy đo thị lực và đăng ký chính thức
Giáo trình học mình được phát và hoàn toàn bằng tiếng Anh
Giai đoạn đầu tiên học lý thuyết cũng khá giống với các lớp học bằng tiếng Nhật, mỗi một điều hay hơn là lớp khá ít thành viên. Có hôm chỉ có một thầy một trò học. Các thầy cô phát âm tiếng Anh chưa hoàn hảo nhưng cũng không phải là tê, thêm vào đó, các thầy cô khá nhiệt tình. Thông thường một tiết học sẽ là 50 phút và 30 phút đầu sẽ được nghe giảng, 20 phút sau sẽ làm quiz và xem clip dạy lý thuyết bằng tiếng Anh. Buổi gần cuối của mỗi giai đoạn bạn sẽ được vào phòng máy tính làm thử đề thi, và thường khá khó so với đề thật.
Giai đoạn đầu học lái thì đúng là cực hình đối với mình (do mình học MT - manual transmission). Tin mình đi, các bạn học MT xong chạy AT (automatic transmission) thì mới cảm nhận được cái sung sướng và "nhàn chân" của nó.
Nội dung học theo lịch mỗi ngày là cố định, tuy nhiên nếu bạn học thực hành tốt thì thầy/cô sẽ dạy luôn bài sau cho bạn, giai đoạn một mình được học vượt khá nhiều nên dư dã thời gian rèn luyện thêm kỹ năng khá khó trong thi thực hành giai đoạn 1.
Tiết đầu tiên học lái, bạn sẽ được ngồi vào mô hình xe và được hướng dẫn tên gọi các bộ phận trên xe, cách cầm và xoay vô lăng. Mình thấy cách xoay của trường hướng dẫn rất hay giúp khi nhớ số vòng quay để trả về cho đúng. Sau khi mình chạy quen thì mình không còn dùng cách cầm vô lăng này nữa nhưng thấy cách này khá hiệu quả nhất là khi bạn vừa lái vừa phải safety-check khi chưa quen. Sau đó mình sẽ được kiểm tra tính cách và kết quả này sẽ dùng để học trong giai đoạn 2. Thầy sẽ phân tích theo tính cách mình và khuyên mình nên chú ý điều gì khi lái. Thêm một điểm nữa là trên cuốn chấm điểm của bạn khi học sẽ có luôn kết quả trắc nghiệm tính cách này trên đấy để thầy cô dạy thực hành biết và chỉnh bạn lái tốt hơn.
Tiết thứ hai, mình được học lái xe thực tế. Thầy sẽ hướng dẫn shaken kiểm tra xe trước khi đi. Thông thường thì chỉ cần buổi đầu shaken, những buổi sau sẽ không cần nữa. Buổi đầu mình học điều khiển xe và trả số, cách chỉnh kính chiếu hậu và gương hai bên (side mirror), cách chỉnh ghế ngồi, thắt dây an toàn, lock cửa khi có trẻ em đi cùng, cách đo khoảng thức khi nhìn qua gương và thực tế, cách đặt chân lên pedal... Theo mình thấy có hai việc quan trọng khi lái là tư thế ngồi thoải mái và chân đạp pedal thoải mái để không bị mỏi.
Tiết thứ 3-4-5, mình sẽ học các kỹ năng rẻ trái, rẻ phải, dừng đèn, vượt đường ray.
Tiết thứ 6 mình được học dừng trên dốc, có hai kỹ thuật chính là 1) dùng thắng tay để hãm xe ngang dốc, khởi động máy xe và nhấn gas pedal cho đến khi đầu xe nhấc hẳn lên thì nhả từ từ thắng tay và nhanh chân chuyển gas pedal sang brake pedal và clutch, hoặc 2) dùng thắng chân và chuyển clutch pedal và gas pedal nhấn mạnh và nhanh (động tác này khá khó nên chỉ khi bạn quen chuyển đổi giữa clutch pedal, brake pedal và gas pedal thì hãy dùng).
Kinh nghiệm riêng của bản thân mình khi học MT là mình hay làm chết máy xe do không nhấn không đủ gas pedal và clutch pedal nhấn quá nhiều, mình không điều khiển được việc hãm tốc độ xe bằng clutch và gas pedal. Mình vẫn nhớ nhất câu nói của thầy dạy mình buổi thứ 6 "please remember half clutch is never be half clutch. Please concentrate on your vehicle speed". Mình ngộ ra được một điều sai lầm mình cứ tưởng là clutch pedal cứ nhấn một nửa đúng 1/2 là được, half-clutch có nghĩ là bạn vào ga từ từ tăng tốc, do đó, bạn phải nhả từ từ clutch và mạnh dạn nhấn gas pedal cho đến khi đúng tốc độ cần thiết. Tuyệt đối khi thấy xe có dấu hiệu giật giật thì phải 1) nhấn clutch pedal, hoặc 2) tăng gas. Lưu ý không bao giờ vừa nhấn brake hết cỡ và clutch sẽ làm xe chết máy ngay lập tức. Lúc mới học do mình không điều khiển được tốc độ nên thường sợ khi quẹo cua và nhấn brake pedal để giảm tốc. Đấy là sai lầm nghiêm trọng, và cần phải hài hòa giữa nhiều lần brake nhẹ (yasashi brake) và đạp clutch để giảm tốc. Gas pedal luôn duy trì mức vừa đủ.
Tiết thứ 7 mình được học kỹ năng đi từ đường không ưu tiên và che khuất tầm nhìn sang đường lớn. Do giải quyết được vấn đề tốc độ nên mình học bài này khá dễ dàng.
Tiết thứ 8 mình được học bài đường hẹp chữ S và chữ L. Bài này mình có mẹo nhỏ để qua dễ dàng khi quan sát thầy làm mẫu lái là canh vừa đủ bánh qua khỏi đoạn giao (đường cong hoặc góc vuông) mình sẽ bẻ lái. Lưu ý với đường chữ L thì mình bẻ lái góc đầu khá gắt, lúc ra khỏi chữ L sẽ bẻ nhẹ hơn khoảng nửa vòng. Do là đường hẹp nên theo luật xe phải đi giữa, mình rút ra thêm kinh nghiệm là hơi đi về phía phải hoặc phía trái (tùy theo rẻ trái hay phải) để chừa khoảng trống không bị đụng lề khi quẹo. Mình pass dễ dàng phần này.
Tiết thứ 9 mình được học safety check trước khi rẻ và trong khi đi đường. Safety check là vấn đề quan trọng quyết định đậu rớt mặc dù rườm rà nhiều động tác. Ví dụ khi bạn cần rẻ trái, bạn phải quan sát kính chiếu hậu và gương trái sau đó mới bật signal rẻ trước chỗ rẻ vào chục mét, sau đó phải check gương lần nữa, check tầm nhìn cửa sổ ngang và check shoulder (xoay hẳn về sau để nhìn xem có người đi đường hay xe đạp xe máy đang đi sau đuôi không), sau đó cho xe tiếp cận gần lề. Khi đến đoạn rẻ cũng phải nhanh tay check safety và check người đi bộ (nếu có phải dừng lập tức đợi người đi bộ sang hẳn đường mới được đi tiếp, trong phần 1 thì không có người đi bộ nhưng các thầy vẫn bắt mình giả dụ có người đi bộ vài lần).
Các tiết còn lại mình tập thắng gấp, dừng xe song song cách lề 15 cm..., trải nghiệm chạy xe AT (sướng lắm các bạn ạ, không vất vả như MT đâu) và ôn thi karimen. Do Koyama là trường được ủy quyền nên mình thi karimen và thực hành cuối kỳ ngay tại trường.
Lịch học từng buổi
Bảng học thực hành và nhận xét của giáo viên
Thẻ học viên của Koyama
Mình được xếp lịch thi chỉ sau tiết thực hành cuối 1 ngày nên cũng khá nhanh. Hôm đấy là thứ 7 mình thi bắt đầu từ 11 giờ sáng.
Đầu tiên thầy sẽ đo mắt sau đó sẽ gọi từng nhóm đi thi thực hành, mỗi nhóm gồm 3 người và sẽ luân phiên nhau ngồi lên xe quan sát, 1 thí sinh sẽ đợi ở ngoài.
Sau khi thi thực hành xong thì mình sẽ đợi thầy gọi vào từng người một để nhận xét. Mình bị thầy bắt 1 lỗi về safety check quay chưa đủ góc nhưng cũng dư điểm pass thực hành.
Sau đấy mình đi thi lý thuyết, một điểm hay là các bạn Nhật sẽ mỗi người 1 đề khác nhau nhưng thi tiếng Anh thì chung một đề. Và đề rất rất dễ so với đề thi thử (mặc dù thi thử mình easy pass trong lần đầu tiên).
Sau khi nộp bài ra về thì mình đợi các bạn văn phòng gọi điện để xem qua được giai đoạn hai hay không. Chủ nhật mình nhận được cuộc gọi định mệnh và mình tiếp tục đi học giai đoạn hai. Và mình chỉ thi một lần là passed!
Các điểm lưu ý có thể khiến các bạn rớt karimen nếu quên (do thi lý thuyết bằng tiếng Anh quá dễ nên mình không đề cập, chỉ cần thuộc luật là pass thôi, các câu hỏi không đánh đố và hỏi rất trực tiếp).
Safety check khi ra khỏi bãi đậu khởi hành. Bạn phải chỉnh gương, chỉnh ghế, thắt dây an toàn, đề máy, nhả thắng tay. Sau đó phải check gương chiếu hậu và side mirror rồi mới xi nhan qua phải khởi hành. Safety check phải thực hiện khi quẹo hoặc vượt chướng ngại vật, dừng đường xe lửa phải dừng hẳn và hạ gương. Luôn nhớ canh bật xi nhan đừng quên khi quẹo.
Khi vào vòng chữ L hoặc chữ S, bạn không thể để xe đụng thanh chắn hoặc cán hẳn lên lề và đi qua luôn. Khi vào đoạn này nên chạy chậm và cho xe tiến vào phía đối diện với hướng quẹo (quẹo trái thì xe đứng về phải hơn). Kinh nghiệm của mình là canh bánh (hoặc gương side mirror qua gò vuông góc thì mình bẻ lái tối đa cho đoạn cua đầu của chữ L, như thế chắc chắn không bao giờ đụng lề. Ở đoạn cua cuối phải cua sớm hơn khoảng nửa bánh xe và bẻ lái khoảng 1/2 vòng. Tương tự cho đoạn chữ S.
Khi đến đoạn tăng tốc 60 km/h thì phải đạp ga chuyển số 3 hoặc 4, tuyệt đối không để số 2 và chạy. Khi chạy chậm thì nên chuyển sang số 1 cho an toàn không bị chết máy. Chết máy 2 lần sẽ failed.
Khi trở về bãi đổ phải cách lề 15 cm, nhưng theo kinh nghiệm mình các thầy sẽ du di vụ này. Tuy nhiên nếu bạn cán lên lề thì sẽ failed. Có chuyện hài là thầy chấm thi sợ mình cán lên lề sẽ rớt nên cứ bảo mình "stop stop that's enough" : )))))) Lúc ra khỏi xe thì cách lề đúng tầm 15cm...
Phần lý thuyết của giai đoạn 2 không phải luật mà chủ yếu về kỹ năng lái an toàn và các quy định về sử dụng phương tiện, trong đó sẽ có một buổi 4 tiết sẽ học về sơ cấp cứu. Mình nói thật chứ rất nhiều details và mình cũng không thể nhớ hết như giai đoạn một được. Cộng thêm việc mình có công việc bận nên nhiều lúc đang học thì phải phân tâm tí : ))))) Thầy cô cũng du di và bảo là "only Duy san ne". Buổi gần cuối có 3 tiết liền vừa lái thực hành check camera và thầy sẽ phân tích lỗi an toàn khi mình lái. Cả khóa học mình thầy buổi này là hấp dẫn nhất và mình rút ra được nhiều kinh nghiệm nhất. Nhưng đen một chỗ là mình buổi này thầy cho lái AT chưa không phải MT nên xe mình chạy rất ngon.
Phần thực hành:
Ngày đầu tiên của giai đoạn hai ra đường, mình chết máy thường xuyên do ở Futako-Tamagawa đường nhỏ, đông người và tâm lý chưa làm chủ clutch pedal và gas pedal làm mình cũng cuốn. Thêm vào đó là đường dốc, do mình không rèn luyện kỹ năng dùng thắng chân để khởi động trên dốc nên khi ở dốc xe bị tụt về và mình luống cuống xuýt tông ở sau mấy lần.
Các ngày hôm sau lỗi này vẫn thường xuyên xuất hiện cho đến khi mình lại gặp thầy siêu nhân đã chỉ mình bài half clutch. Thầy chỉ ngay ra lỗi sai của mình vẫn là ở tốc độ, ở đoạn đường đông thì mình có thể vẫn đạp gas pedal mạnh để duy trì không tắt máy và đạp hết clutch pedal. Khi chuyển để chạy tiếp ngay trên dốc dù cao hay thấp, mình nên đạp mạnh gas pedal và trước đó chuyển từ brake sang gas phải thật nhanh đồng thời nhả clutch vừa đủ nhẹ để xe vọt lên. Bingo! mình giải quyết được lỗi này.
Tiết thứ 5, mình gặp mọt tình huống khá drama. Mình đang đi ở làn giữa và đi ngang qua một con hẻm với tốc độ khoảng 50 km/h. Một thanh niên phi thẳng con xe ra khỏi hẻm và thắng cái két ngang tầm mình (đầu xe đã ra khỏi khoảng 1/2 ). Mình theo phản xạ của một tay lái lơ tơ mơ như mình thì đánh lái lách qua phải và thầy cũng hốt hoảng. May trong trường hợp này bên phải mình không có xe. Mình có hỏi thầy trường hợp đó mình phải xử lý như thế nào. Thầy có bảo mình phải thắng xe lại và giữ tay lái thẳng, không được lấn làn vì lấn làn chắc chắn sẽ có tai nạn.
Tiết thứ 7 của giai đoạn 2 mình học dừng xe trên đường, cách vượt xe khác. Mình có gặp trường hợp thực tế có xe cứu thương và mình tấp vào để nhường đường. Cô khen mình là xử lý đúng.
Tiết sau mình học parking bên trái, bên phải. Cái khó của bài này là thời điểm bẻ lái và độ nhanh chậm của xoay vô lăng. Mình chỉ làm đúng được 2 lần vào thẳng vị trí mà không cần chỉnh góc. Một điều quan trọng là khi vào phải chỉnh kính chiếu hậu, khi khởi hành bạn phải chỉnh lại kính chiếu hậu đúng với vị trí quan sát khi lái (dễ rớt vì cái này, mấy bạn Nhật thi cùng mình fail vì cái này).
Tiết thứ kế tiếp mình học parking song song. Bài này thì cứ quan sát đúng và quẹo là thành công nên khá dễ.
Tiết kế cuối mình được học lái trên cao tốc. Đoạn đường mình được lái là daisan-keihin nối Futako-Tamagawa với Yokohama. Đường này lúc đi vắng nhưng lúc về khá đông. Mình được lái xe Audi AT trên đoạn đường này. Thật ra phần cao tốc này khá chán do bạn chỉ cần chú ý đường chạy và giữ khoảng cách, nhưng bù lại được trải nghiệm xe Audi và chạy tốc độ nhanh 80 km/h. Nói 80 km/h thế thôi chứ hiện tại mình chạy cao tốc giữ khoảng cách với xe trước và sau toàn phải chạy trên tốc độ quy định vài chục km/h là chuyện thường.
Tiết cuối là buổi mình ôn thi, cô giáo ban đầu khá khó tính và bắt mình chạy vào đường nhỏ ở khu Futako-Tamagawa đông người qua lại, sau đó tập parking. Do mình hoàn thành parking khá ngon nên cô vui vẻ lên và được quyền đi thi thực hành cuối khóa và tốt nghiệp.
Mình tập trung vào thi vào khoảng 10h sáng hôm chủ nhật. Khu Futako thì chủ nhật khá đông người đi đường. Ban đầu mình sẽ tập trung tại một điểm để nghe phổ biến nội quy thi và hướng dẫn, sau đó sẽ gặp giám khảo vào lên xe. Thi thực hành lần này bao gồm chạy xe ngoài đường, chạy đường hẹp, đường 3 lane và đạt tốc 60 km/h, quẹo trái phải, dừng ở điểm. Sau đó sẽ về trường thi parking. Mình thi parking từ bên trái. Trong lúc thi mình cũng gặp đúng trường hợp có xe cứu thương khi dừng đèn đỏ, mình có hỏi thầy là em né vào nhường đường xe cứu thương đi được không (vì do đang thi). Thầy khá niềm nở và OK mình đánh lái né vào. Có thể đây cũng là ấn tượng thầy cho mình passed. 2 bạn Nhật thi cùng mình failed do lỗi không đợi người đi bộ sang hết đường mà đã quẹo.
Sau đấy trường cấp giấy tốt nghiệp cho mình và hướng dẫn mình lên sở cảnh sát thi lấy bằng chính thức. Kết thúc chuỗi ngày rong rủi ga Futako-Tamagawa.
Các điểm lưu ý có thể khiến các bạn rớt thực hành cuối kỳ nếu quên
Khi vào khúc quẹo sang đường trước vạch người đi bộ phải đợi người đi bộ sang đường hết mới tiếp tục di chuyển.
Trả số đúng tốc độ khi cần không làm chết máy. Lưu ý tốc độ giới hạn khi trên đường.
Safety check khi chuyển làn, quẹo, và trước khi dừng.
Khi gặp tình huống đông xe thì không nên vượt mà có thể đợi, chỉ vượt ở những tình huống cố định như xe đang đỗ làn trái... và tất phải phải xi nhan xin đường, tuyệt đối không vượt khi xe chiều ngược lại vẫn đang chạy sát.
Lưu ý thứ tự thao tác khi tấp vào lề để dừng xe. Phải nhớ nhấn nút đỗ xe (2 tam giác màu đỏ), và si nhan xin đường khi khởi hành.
Đối với bài thi đỗ xe, nên chậm mà chắc và có thể điều chỉnh vị trí đỗ tối đa 2 lần nên tận dụng việc này. Lưu ý phải xoay kính side mirror sau khi đỗ thành công hoặc trước khi khởi hành tiếp theo.
Màn hình hướng dẫn đầu buổi thi
Hướng dẫn thi lý thuyết tại sở cảnh sát
Bản đồ tuyến đường mình thi thực hành
Hướng dẫn thi lý thuyết tại sở cảnh sát
Thư cảm ơn giáo viên khi tốt nghiệp
Từ ga shinagawa mình bắt bus vào sở cảnh sát và thi. Mình đăng ký checkin thi bằng tiếng Anh. Đêm trước hôm thi mình bị một bạn hù là đề khó lắm. Mình đã thức cả đêm để học và sáng đi thi thôi. Phần 2 thật sự rất nhiều chi tiết nhỏ và rất khó nhớ, mình học mãi không thuộc, cho nên cũng sợ. Mình thi thử ở trường thì toàn failed chỉ passed đc một lần duy nhất. Nếu bạn nhỡ không may trượt (ở sở cảnh sát) thì có thể đăng ký thi lại ngay trong buổi chiều.
Khi phát đề thi mình cười thầm vì để thi toàn hỏi luật không hỏi phần 2, và rất rất dễ. Thế là mình pass trong một lần thi duy nhất. Tuy nhiên, các bạn thi tiếng Nhật thì rớt rất nhiều. Chắc do đề tiếng Anh cũng hạn chế nên sở chỉ ghép 2 đề karimen với nhau và cho mình thi ha ha ha ha ha...
Sau đó mình được gọi vào chụp hình và đợi khoảng 1 tiếng, mình xuống tầng 2 để nhận bằng. Sau khoảng 1 giờ ăn trưa mình đã chính thức có thể lái xe tại Nhật.
Tóm tắt lại, mình chỉ thi một lần là passed nhưng toàn gặp may và girigiri (sát sao, mém) qua các kỳ thi...
Giấy báo dự thi
Dấu mình đã qua pass kỳ thi lý thuyết tại sở cảnh sát
Bằng lái mình nhận trong ngày hôm đấy
Từ khi có bằng lái mình đã vi vu khá nhiều nơi mà chưa có thời gian edit clip mình đã quay khi lái trên các cung đường Nhật.
Các bạn có thể theo dõi kênh Youtube này của mình để lấy thêm cảm hứng học lái nhé: www.youtube.com/channel/UC-IlcNQTI7VzYFrNIAJP96Q